Mới đây, tại cuộc họp đánh giá đánh giá công tác thu hút đầu tư FDI do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án FDI với tổng vốn là 149,6 triệu USD.
Như vậy, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 150 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,26 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh cũng đã làm việc với 20 đoàn doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Để đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; thường xuyên nắm thông tin, kết nối với các bộ, ngành, VCCI, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để triển khai công tác quảng bá lợi thế, tiềm năng, định hướng thu hút đầu tư FDI của tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư, triển khai xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động hỗ trợ đầu tư... Tài liệu xúc tiến đầu tư được cập nhật mới, hình thức thiết kế hiện đại, chuyên nghiệp bằng 5 ngôn ngữ: Anh, Việt, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thu hút đầu tư FDI vào Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn như: Chưa thu hút được nhà đầu tư FDI lớn; chưa phát huy các mô hình liên doanh liên kết trong xúc tiến đầu tư; tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các KCN còn chậm, chưa đồng bộ hạ tầng vì thế chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài...
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, mục tiêu năm 2022 thu hút vốn FDI toàn tỉnh đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao…
Để nắm bắt thời cơ, cơ hội mới, dóng dòng vốn FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cần thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận, rà soát, đề xuất, triển khai hiệu quả các giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư về địa bàn.
Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, trong đó xác định rõ trọng tâm, trọng điểm nhu cầu, lĩnh vực thu hút để đón chào các nhà đầu tư FDI lớn hình thành lên chuỗi cung ứng.
Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp đang triển khai xây dựng; hỗ trợ nhà đầu tư tối đa về thủ tục đầu tư, cung cấp nhanh chóng thông tin, tháo gỡ khó khăn (nếu có) cho nhà đầu tư với chi phí thấp nhất, đưa ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhất. Các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với IPA trong cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin các dự án thuộc lĩnh vực quản lý theo dõi trên Hệ thống Quản lý dự án của tỉnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đại sứ quán để tham mưu triển khai Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp quốc tế; cập nhật, đổi mới Bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào tỉnh, hoàn thiện làm cơ sở xúc tiến đầu tư.
Đặc biệt, cần tăng cường các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; xây dựng bộ thương hiệu và hình ảnh cấp địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển và chiến lược thu hút đầu tư; thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương về thu hút đầu tư...
Nguồn: báo Đầu tư