Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Đ.T
Vốn vẫn vào…
Một thông tin vừa được các hãng thông tấn nước ngoài chia sẻ, Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) đã được Cơ quan Kinh tế Đài Loan cấp phép đầu tư thêm 100 triệu USD vào Việt Nam.
Dù thông tin này chưa được phía Pegatron xác nhận, nhưng nếu có, cũng không khiến dư luận bất ngờ. Bởi trước đó, sau khi đầu tư hai dự án tại Hải Phòng, với 19 triệu USD và 481 triệu USD, thì Pegatron đã công bố việc sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, để nâng tổng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD. Tập đoàn này còn lên kế hoạch đưa các hoạt động R&D từ Trung Quốc sang Việt Nam vào đúng thời điểm Dự án Pegatron thứ 3 đi vào hoạt động, tức là trong giai đoạn 2025 - 2026.
Nếu thông tin trên là xác thực, Pegatron đã đẩy nhanh hơn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, bởi xu hướng gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan, như Foxconn, Luxshare, Goertek… mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thậm chí, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam còn cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong năm 2021, sẽ đầu tư tới 2 tỷ USD, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực điện tử.
“Với các doanh nghiệp Đài Loan, Việt Nam là một địa điểm đầu tư quan trọng. Đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Thạch Thụy Kỳ nói.
Thực tế, không chỉ nhà đầu tư Đài Loan quan tâm đến điểm đến Việt Nam. Việt Nam đã luôn là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, đặc biệt kể từ Covid-19 bùng phát. Đó là lý do khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chảy.
Chính ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, tại hội nghị xúc tiến đầu tư từ Anh vào Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) cũng đã khẳng định, Việt Nam có vị trí chiến lược trong đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có mặt tại hội nghị xúc tiến đầu tư hôm đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam; ông Nitin Kapoor, Chủ tịch Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam; bà Stephanie Betant, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam cũng đều khẳng định, các nhà đầu tư có thể tìm thấy “nhiều cơ hội tại Việt Nam”, ngay cả trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay.
Đây là điều có thật và nó có thể được minh chứng bằng con số 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng qua, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng như con số 7,15 tỷ USD vốn giải ngân, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
…nhưng đã có tín hiệu suy giảm
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và đây là thành quả tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu đang sụt giảm mạnh thời Covid-19. Nhưng chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2021 cũng đã thừa nhận rằng, việc số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy, “còn nhiều khó khăn, tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút”.
Quả thực, nếu chỉ xét về số vốn, nhờ một số dự án quy mô lớn, như Điện khí Long An (3,1 tỷ USD), Nhiệt điện Ô Môn II (1,31 tỷ USD), LG Display 750 triệu USD…, nên tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng nhẹ. Nhưng nếu xét về số dự án, thì tốc độ giảm khá lớn.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm, có 613 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới, giảm 49,4%; có 342 dự án điều chỉnh vốn, giảm 21,6%; có 1.442 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 59,7%.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những con số này cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn, với nguyên nhân đến từ sự suy giảm kỷ lục của dòng vốn đầu tư toàn cầu, thấp nhất từ năm 1990.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư nước ngoài toàn cầu năm 2020 đã giảm tới 42% (còn 859 tỷ USD, so với mức 1.500 tỷ USD năm 2019) và dự báo sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể “chạm đáy” trong năm nay. Tình hình chỉ có thể được cải thiện vào năm 2022.
Ngoài ra, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…, khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chậm lại.
Một nguyên nhân quan trọng khác được chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, đó là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ chưa hiệu quả trong ngắn hạn. “Cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp”, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Gần đây, vào cuối tháng 5/2021, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã có phiên họp lần thứ hai. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các bộ, ngành trong Tổ công tác đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm nắm bắt thời cơ, cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu…, cũng như đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh việc phải kịp thời nắm bắt các cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030; tổng hợp, cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để xử lý, trình cấp có thẩm quyền xử lý…
Ngoài các biện pháp này, thì có lẽ cũng phải nhắc đến việc cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, nhằm thu hút các “đại bàng” đến làm tổ tại Việt Nam.
Nguồn: báo đầu tư