Ngày 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân.
Cuộc gặp do Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Đây là lần thứ 3 trong hơn 2 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ và đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng gửi lời tri ân đến sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng cho hay, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong sản xuất, kinh doanh nên mọi chính sách đều hướng tới doanh nghiệp; nhưng doanh nghiệp là chủ thể thì phải đồng hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện chính sách, phát hiện vướng mắc, tồn đọng để cùng chung tay tháo gỡ.
Thủ tướng cũng nhìn nhận, vẫn còn những điều đã làm được và có những điều chưa làm được, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên phải thẳng thắn để tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để cố gắng làm tốt hơn cho quốc gia, cho dân tộc trong đó có doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất thấu hiểu, rất chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Chính vì thế, Thủ tướng kêu gọi sự đồng lòng chung sức quyết tâm, phát huy giá trị tài sản vô giá của dân tộc là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần vượt qua khó khăn thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu vươn lên, mạnh mẽ hơn và ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.
Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện của chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lao động, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất, giảm tiền điện, tiền nước, tiền viễn thông... Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn cho rằng, so với những mong muốn của doanh nghiệp thì vẫn chưa được đạt đúng yêu cầu, nên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng chia sẻ với Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, quan trọng nhất là phải kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp tục nhập khẩu vắc xin và sản xuất vắc xin trong nước. Vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những đối tượng được ưu tiên. Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch chậm nhất trong quý 4 năm nay, độ bao phủ vắc xin với các đối tượng được ưu tiên sẽ hoàn thành.
“Vừa qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang thông suốt, nhưng chúng ta phải có lộ trình để mở cửa an toàn, không thể nào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch bệnh bùng lại thì sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy các bước đi phải thận trọng, càng khó khăn càng phải tỉnh táo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, về vốn, đất đai hạ tầng, tiết giảm chi phí, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cố gắng thực hiện và tháo gỡ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời cũng phải tăng cường nguồn lực, khả năng hoạt động ứng phó của các cấp đặc biệt trong hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu một số chính sách để phục hồi các lĩnh vực về du lịch, thương mại, dịch vụ.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ chuỗi cung ứng; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất cũng phải nghiên cứu, cùng các chính sách tiền tệ tài khoá, đảm bảo các cân đối vĩ mô.
"Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa. Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển", Thủ tướng chia sẻ.
Nguồn: báo Hải quan