Đối mặt với nhiều thách thức
Trong thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và các nước ASEAN (như CPTPP, ATISA, RCEP) đã sử dụng các phương thức đàm phán mới trong dịch vụ tài chính; trong đó, đã thay thế phương thức tiếp cận chọn bỏ (sử dụng danh mục NCM) thay vì cách tiếp cận chọn cho (liệt kê danh mục biểu cam kết cụ thể). Đây là đòi hỏi khách quan, bắt buộc từ xu hướng xây dựng và đàm phán các hiệp định, đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc chuyển đổi phương thức tiếp cận nhằm đảm bảo lợi ích của thị trường dịch vụ tài chính.
Trước hết, việc liệt kê theo hướng bảo lưu các phân ngành trong danh mục NCM và các ngành không nằm trong “Danh mục được cam kết tự do hóa” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do việc bảo lưu có thể không liệt kê được toàn bộ các ngành dịch vụ tài chính hiện có, hoặc sắp ra đời và có thể phát sinh trong tương lai. Đặc biệt là đối với những ngành dịch vụ tài chính chứa nhiều yếu tố, đặc trưng nhạy cảm, có độ rủi ro cao trong việc dẫn tới những bất ổn của thị trường tài chính.
Một thách thức khác là năng lực xây dựng danh mục NCM và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Phương thức tiếp cận chọn bỏ thông qua việc xây dựng danh mục NCM thường áp dụng cho các nước phát triển có cam kết tự do ở mức độ cao (như trong CPTPP). Như vậy, sự thay đổi về phương thức tiếp cận cũng như cách liệt kê biểu cam kết dấy lên mối quan ngại đối với các nền kinh tế đang phát triển có thị trường tài chính còn non trẻ như các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam trong khả năng tiếp cận với phương thức mới, khả năng ứng phó để chuyển đổi ngang bằng các cam kết trong chọn cho sang các cam kết trong chọn bỏ, khả năng xây dựng cam kết theo danh mục NCM để qua đó, đảm bảo bảo lưu được các nghĩa vụ, phù hợp với luật pháp hiện tại, bảo vệ, ổn định thị trường tài chính trước bối cảnh dễ biến động và rủi ro của toàn cầu.
Đối với Việt Nam, thị trường dịch vụ tài chính hiện nay đã phát triển nhanh, tích cực, với sự tham gia đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, so với mặt bằng của khu vực và quốc tế, các thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam còn khiêm tốn, không gian phát triển còn lớn, hệ thống quy định quản lý còn cần tiếp tục hoàn thiện đáng kể. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ trong nước mặc dù đã cải thiện nhưng chưa có nhiều tiến triển mạnh mẽ; trong khi các phân ngành dịch vụ của Việt Nam nếu phải tự do hóa hơn theo phương thức tiếp cận thay đổi sẽ tiềm ẩn hơn nữa nguy cơ rủi ro. Ngoài ra, hệ thống luật pháp quản lý, điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, nhiều phân ngành dịch vụ chưa có văn bản pháp lý quy định hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, đào tạo kỹ năng, năng lực cán bộ làm công tác xây dựng danh mục NCM là công việc rất quan trọng đối với cả quá trình đàm phán xây dựng và thực thi NCM. Thực tế, cán bộ làm công tác hội nhập ngành Tài chính hiện nay chưa được truyền đạt đầy đủ các kỹ năng xây dựng biểu cam kết cụ thể cũng như liệt kê, xây dựng NCM…
Giải pháp đối phó với rủi ro từ các cam kết
Để đối phó với những rủi ro từ các cam kết khi chuyển đổi phương thức tiếp cận danh mục NCM, một trong các giải pháp cải cách tài chính là phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính hiện đại, cân đối, minh bạch, hiệu quả và ổn định. Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy thị trường tài chính, đặc biệt là các thị trường chứng khoán, bảo hiểm và ngân hàng. Cùng với đó là phát triển thị trường vốn lành mạnh, hiệu quả, hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường; hoàn thiện thể chế chính sách và tăng cường quản lý giám sát nhằm phát triển thị trường vốn bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng nhất cho nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy thị trường vốn hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế...
Về cơ chế quản lý thị trường, cần nghiên cứu từng bước triển khai chuyển cơ chế quản lý thị trường cổ phiếu từ dựa trên chất lượng sang công bố thông tin đầy đủ; nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đa dạng phương thức định giá cổ phần chào bán ra công chúng; hoàn thiện cơ cấu các công ty niêm yết theo ngành, lĩnh vực. Thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ để trở thành thị trường tham chiếu chuẩn cho các thị trường khác; đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu phải được định mức tín nhiệm...
Bên cạnh đó, phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm… Đồng thời, tiếp tục phát triển đồng bộ thị trường dịch vụ tài chính. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ tổ chức, cá nhân; nâng cao năng lực của tổ chức quản lý, giám sát; tái cơ cấu lượng cầu thị trường dịch vụ, xác định đối tượng phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính một cách phù hợp, quy định rõ tiêu chí đối với các doanh nghiệp phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, xác định tiêu chí đối với các đơn vị có lợi ích công chúng.