Xuất khẩu sang thị trường chủ lực lấy lại đà tăng trưởng
Thủy sản, ngành đóng góp gần chục tỷ USD mỗi năm trong cơ cấu xuất khẩu trên 40 tỷ USD của ngành nông nghiệp đang đón nhiều tín hiệu rất tích cực từ các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh tại Mỹ, EU và nhiều thị trường tiềm năng tăng khác, đã mang lại kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 4,1 tỷ USD cho Việt Nam trong nửa đầu năm nay, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng sản phẩm tôm đã mang về 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất sang Mỹ tăng trưởng hàng tháng 45 - 46%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, sang Đức 60%, sang Anh tăng 15%.
Ấn tượng hơn cả là xuất khẩu mặt hàng cá tra sang Mỹ và nhiều thị trường nhỏ tăng đột phá từ 100 đến 450%. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng khoảng 170%, chiếm 21% tổng giá trị. Xuất khẩu cá tra sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng 3 con số (100 - 450%). Mỗi thị trường này chiếm khoảng 2,5 - 4% tổng giá trị, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam.
Với đà tăng trưởng hiện nay, VASEP dự báo, xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 có thể cán đích 9 tỷ USD.
Sự hồi phục của thị trường Mỹ, EU không chỉ thấy rõ với thủy sản, mà với cả ngành dệt may, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh khá trong nửa đầu năm và xa hơn là cả năm 2021.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 2.366 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 104% kế hoạch, tăng 29% so với cùng kỳ 2020. Ước lợi nhuận lũy kế 6 tháng của TNG đạt 80 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Doanh thu quý II hồi phục mạnh mẽ, đạt 1.456 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2020.
Năm 2021, TNG đặt kế hoạch doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng 7% và 14% so với thực hiện năm 2020. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, thị trường Mỹ, EU đang có chỉ dấu tích cực, đơn hàng gia tăng, Công ty kỳ vọng, ngành may lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019.
Dồn sức cho quý III
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dẫu chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy, một trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế là xuất khẩu vẫn đang duy trì tốc độ tăng tích cực, cho thấy nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc điều phối sản xuất - kinh doanh, đảm bảo các đơn hàng được giao cho đối tác trong bối cảnh dịch bệnh.
Những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ ASEAN tới Mỹ, châu Âu… vẫn gia tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, khiến bức tranh xuất khẩu tổng thể sang các thị trường này đều đạt 2 con số.
Giờ là lúc các doanh nghiệp dồn lực cho kinh doanh, xuất khẩu quý III và chuẩn bị cho mùa giao hàng nhộn nhịp trong quý IV, khi nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn tăng cao.
Theo báo cáo của Tổng công ty May 10, 6 tháng đầu năm nay, dù có nhiều ngày phải sản xuất trong giãn cách, nhưng doanh nghiệp vẫn điều phối sản xuất nhịp nhàng. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu doanh nghiệp nhận được tăng tới 40% so với năng lực sản xuất.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, để hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chấp nhận bỏ nhiều chi phí hơn, để không bị lỡ hẹn với đối tác. Nếu không ổn định được lực lượng lao động để hoàn thành đơn hàng, thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại không nhỏ.
Đánh giá chung về ngành dệt may, bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đánh giá, sản xuất, xuất khẩu dệt may đang phục hồi tích cực. “Dự báo, xuất khẩu dệt may sẽ khả quan và năm 2021, nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu 39 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp lúc này chính là thiếu lao động chất lượng cao, cộng với áp lực về phòng chống dịch tại địa phương và nhà máy do nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, bà Ánh nói.
Nguồn: Báo Đầu tư online