name

GMGLAND - Cho thuê nhà xưởng, căn hộ dịch vụ và đất tại các khu công nghiệp

Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp

29/07/2021286

Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa. Ảnh: HSG

Khó tìm nguồn thay thế

Đợt dịch lần thứ 4 lần này bùng phát chủ yếu ở các địa phương có số lượng lớn khu công nghiệp và các doanh nghiệp chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng. Hơn nữa, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính nên việc hạn chế lưu thông sẽ gây nhiều khó khăn với doanh nghiệp.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. 50% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã bị sụt giảm doanh thu. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng… Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên rất dễ bị tổn thương, khi chuỗi cung ứng đứt gãy, họ khó tìm các đầu mối cung ứng thay thế…

Nói thêm về khó khăn của mình, một doanh nghiệp chia sẻ, dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng gặp khó khăn, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí cho việc vận chuyển nguyên phụ liệu, xét nghiệm Covid-19 cho tài xế… Chẳng hạn, để vận chuyển từ khu vực có dịch sang các địa phương khác, người ngồi trên các phương tiện vận tải phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính SAR-CoV-2 có hiệu lực trong 72 giờ, trong khi chi phí xét nhiệm lên tới 720.000 đồng/lần xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh là 200.000 đồng/lần, chưa kể việc chờ đợi xét nghiệm và lấy kết quả cũng mất khá nhiều thời gian.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu đã sụt giảm sản lượng trong tháng 6 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam. Chẳng hạn, tháng 6/2021, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép giảm so với cùng kỳ và tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trên toàn quốc. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 6, sản lượng bán hàng thép các loại giảm hơn 15% so với tháng 5/2021.

Khắc phục hạn chế trong lưu thông

Trước những khó khăn như trên, trong buổi làm việc mới đây với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều hiệp hội ngành hàng đã đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí). Đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vắc xin nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt. Ngoài ra, các địa phương cần tránh tình trạng ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các doanh nghiệp sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã cố gắng khắc phục để đảm bảo việc cung ứng hàng, duy trì chuỗi cung ứng. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, hệ thống 536 chi nhánh - cửa hàng bán lẻ phân bổ rộng khắp các vùng miền và 10 nhà máy phân bổ gần các cảng quốc tế đã đảm bảo chắc chắn việc sản xuất và cung ứng hàng hoá trong mọi điều kiện. Vì vậy, dù thị trường nội địa bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng HSG vẫn duy trì được sản lượng bán hàng ổn định ít nhất 160.000-170.000 tấn/tháng, mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng.

Có thể thấy, khó khăn của việc cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất trong chuỗi cung ứng chủ yếu đến từ việc lưu thông hàng hóa, bởi hiện nhiều doanh nghiệp trong vùng dịch đã tăng cường thực hiện “3 tại chỗ” - ăn, ở, sản xuất tại nhà máy; “1 cung đường, 2 địa điểm”- hai địa điểm là nơi ở (khách sạn, ký túc xá) và nhà máy, công nhân có xe đưa đón. Nhờ đó, việc sản xuất vẫn được đảm bảo. Như tại TPHCM, đến nay, 618 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố đã đăng ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”.

Vì thế, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển trong những tháng còn lại của năm 2021. Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý 3/2021 của 6.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện, 77,8% doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn và ổn định hơn so với quý 2/2021, trong đó 39,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 38,6% doanh nghiệp đánh giá ổn định hơn. Có 22% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh quý 3 khó khăn hơn quý 2. Đặc biệt, có tới 79,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất trong quý 3 sẽ tăng và giữ nguyên so với quý 2/2021.

Nguồn: báo hải quan online

0945719795