Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 8 bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm trên 30% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xấu đi do xuất khẩu giảm.
Mặc dù vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong tháng 8 vẫn tăng, WB cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Giá cả ổn định do nhu cầu trong nước yếu đi cũng như giá năng lượng và kim loại thế giới chững lại; tiền đồng tăng giá. Tăng trưởng tín dụng vẫn ổn định, mặc dù lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước.
Từ những diễn biến trên, WB cho rằng, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý 4.
WB nhấn mạnh, ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành. Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân.
Đặc biệt, WB khuyến nghị Việt Nam cần thêm biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.
Ngoài ra, theo WB, chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.
Nguồn: HQ online