Tín hiệu lạc quan trong tháng 9
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 53 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021; nhập khẩu đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5%. Dù vẫn đang giảm so với tháng trước nhưng tốc độ sụt giảm đã được cải thiện hơn nhiều. Bởi xuất khẩu tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021, trong khi nhập khẩu giảm tới 6,1%.
Cùng với việc kiểm soát sự sụt giảm của kim ngạch nói chung, hoạt động xuất khẩu tháng 9 có thêm những điểm sáng đáng ghi nhận. Điển hình là 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay gồm: điện thoại và máy vi tính tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Trong đó, điện thoại đạt 5,7 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng 8; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,77 tỷ USD, tăng 12,5%.
Ngoài ra, các nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang chứng kiến sự phục hồi đáng ghi nhận trong tháng qua như rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo.
Cùng với sự khởi sắc của các nhóm hàng lớn, thêm một gam màu sáng đối với hoạt động xuất khẩu trong tháng 9 vừa qua là sự phục hồi bước đầu của đầu tàu kinh tế TPHCM. Tháng 9, xuất khẩu của địa phương này đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8 trước đó, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD.
Với việc TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch từ đầu tháng 10 này, hoạt động xuất nhập khẩu tại trung tâm kinh tế này chắc chắn sẽ có được tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm. Bởi, đây không chỉ là địa bàn tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, mà với vai trò là cảng biển lớn nhất nước ta và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nên việc thành phố kịp thời có các giải pháp tạo thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp ở các tỉnh, thành miền Nam thêm rộng cửa trong nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị… phục vụ sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa.
600 tỷ USD trong tầm tay
Với kết quả trong tháng 9, tính chung hết 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 484 tỷ USD, tương đương con số bình quân gần 54 tỷ USD/tháng. Như vậy, để cán mốc 600 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm nay, quý 4 cả nước chỉ cần đạt 116 tỷ USD, tương đương gần 39 tỷ USD/tháng. Đây là điều hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào kết quả trong 9 tháng qua, ngay cả thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, kim ngạch xuất khẩu khẩu của cả nước cũng chưa có tháng nào đạt dưới 40 tỷ USD.
Một cơ sở khác tạo niềm tin vào sự hồi phục của xuất nhập khẩu là sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta hiện nay, nhất là xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào sự đóng góp của doanh nghiệp FDI. Số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy rõ điều đó khi xuất khẩu của doanh nghiệp FDI 9 tháng qua đạt 176,6 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó các ngành hàng xuất khẩu lớn nhất do doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế như điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… đang có những sự tăng trưởng đáng ghi nhận sẽ là sự dẫn dắt quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.
Mới đây, ngày 31/8, tại trụ sở Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng), lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng. Theo đó, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố Cảng. Với số vốn đầu tư tăng thêm, Công ty sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 đến 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 đến 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/ năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/ năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động. Sự kiện này cho thấy doanh nghiệp FDI lớn vẫn đang đặt niềm tin ở thị trường Việt Nam.
Tất nhiên, để có thể sớm hồi phục năng lực sản xuất, xuất khẩu, không chỉ đòi hỏi nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, mà sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Đặc biệt, các địa phương cần sớm loại bỏ các biện pháp phòng, chống dịch một cách cực đoan kiểu “ngăn sông cấm chợ”, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, người lao động đủ điều kiện đi lại một cách dễ dàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Nguồn: báo Hải quan